NHỮNG THIẾT KẾ KINH ĐIỂN TRONG GIỚI ĐỒNG HỒ

  • Cập nhật : 12-12-2018 10:59:05
  • Đã xem: 685

MOVADO MUSEUM ( 1947)

Đây là một thiết kế đồng hồ kinh điển rất được giới trẻ ưa chuộng, nhưng ít ai biết rằng lịch sử của nó khá phức tạp bởi các cuộc tranh chấp pháp lí. Loại thiết kế mặt đồng hồ này được làm ra bởi một nghệ nhân thuộc trường phái Bauhaus của nước Đức ( nghệ thuật thiết kế tinh giản) tên là  Nathan George Horwitt vào năm 1947( ông này người Mĩ gốc Do thái Nga ).

Thiết kế này vô cùng tinh giản, với mặt số hoàn toàn loại bỏ hết mọi chi tiết, kể cả kim giây và gần như mọi cọc giờ, trừ vị trí 12 giờ có 1 biểu tượng chấm tròn – đại diện cho mặt trời – biểu tượng xem giờ thời cổ xưa. Nó ban đầu được làm ra bởi Vacheron & Constantin-Le coultre ( đây là tên một nhà nhập khẩu có sản xuất đồng hồ chứ ko phải là 2 thương hiệu nổi tiếng này) , nhưng sau đó chỉ thật sự nổi tiếng khi mà Zenith-Movado bắt đầu sao chép vào năm 1948 ( nay sản xuất chỉ còn Movado) .

Cuộc chiến pháp lý kéo dài hàng chục năm sau, mãi tới khi tác giả thiết kế mất vào năm 1990 thì Movado mới bắt đầu sản xuất dòng sản phẩm với mặt số này với số lượng lớn và nhanh chóng trở thành một hiện tượng về thiết kế. Cho tới nay, đây vẫn là 1 dòng sản phẩm rất được những người trẻ tuổi lựa chọn vì sự thanh lịch của nó.

EBEL WAVE (1977)

Những năm cuối thập niên 1970, làn sóng đồng hồ thể thao sang trọng khởi nguồn từ Royal Oak đã càn quét và buộc rất nhiều nhà sản xuất tiếng tăm phải nhảy vào cuộc, trong số đó có hãng Ebel. Với thiết kế 5 đinh vít trên mặt số, kèm theo bộ dây dạng sóng lượn cực kì đặc trưng không thể lẫn lộn vào đâu được, dòng sản phẩm Ebel Wave đã nhanh chóng thu hút được rất nhiều ánh nhìn bởi thiết kế vô cùng độc đáo.

Dù là một dạng thể thao sang trọng, nhưng dòng sản phẩm này lại có thiết kế vô cùng mềm mại và được nữ giới rất chuộng. Những đường nét vô cùng mềm mại ở bộ dây cũng như mặt số khiến cho cánh phụ nữ không khỏi xao xuyến, và cho tới nay, dòng sản phẩm này vẫn còn tồn tại, dù cho không nổi tiếng như Royal oak hay Nautilus, nhưng đây chắc chắn là một thiết kế kinh điển khó lẫn lộn vào đâu được.

JUNGHANS MAXBILL ( thập niên 1950)

Là một nhà sản xuất đồng hồ lừng danh bậc nhất nước Đức bên cạnh A.lange & Sohne, hãng Junghans cũng bị ảnh hưởng rất mạnh bởi trường phái thiết kế tinh giản Bauhaus. Những năm thập niên 1950, nhà thiết kế Max Bill đã hợp tác với Junghans tạo ra các phiên bản cả treo tường lẫn đeo tay với thiết kế rất tinh giản ở mọi góc cạnh , từ mặt số lẫn bộ kim cho tới thân vỏ.

Đây là một dạng thiết kế kinh điển và rất thực dụng, thiết kế của Junghans có các vạch khía lẫn bộ kim rất mảnh và độc đáo, sau này đã được khá nhiều hãng đồng hồ áp dụng lại, tuy có cùng 1 triết lí nhưng Junghans Max Bill lại có thiết kế sát với nguyên thủy ” thực dụng” hơn so với Movado Museum. Thiết kế này sau đó cũng đã đạt khá nhiều giải thưởng thiết kế tại châu âu, và nó trở thành một dòng đồng hồ chính trong các dòng sản phẩm của hãng Junghans cho tới ngày nay.

NOMOS TANGENTE (1990)

Trước tiên, cần phải nói cho rõ rằng thiết kế của dòng sản phẩm vô cùng nổi tiếng này của Nomos vốn là …. Sao chép của một chiếc đồng hồ vintage cũ từ hãng Lange Glashutte. Hai chiếc đồng hồ này gần như y hệt nhau và chỉ khác một chút là chỉ số phút ở ngoài rìa đã bị lược đi. Tuy nhiên, loại thiết kế tinh giản theo trường phái Bauhaus thì có lẽ luôn đúng – chỉ cần nhìn Vào thiết kế lẫn mặt số quá tinh giản thì không ai có thể phủ nhận điều này.

Thiết kế của dòng sản phẩm này rất đơn giản, với các cọc giờ ở vị trí chẵn ( 2,4..12) rất to bản, các vị trí khác chỉ đơn giản là vạch khía mỏng. Kim giây được tách ra và đưa về vị trí 6 giờ, đi kèm với mặt số cực mỏng và tai càng cực dài, do đó có một nghịch lý là dù có mặt bé nhưng người tay bé lại… Không đeo được !

Nomos không phải người thiết kế ra Tangente, nhưng chắc chắn một điều không thể phủ nhận là họ đã rất thành công và mang loại hình thiết kế này vượt ra khỏi nước Đức, và thậm chí còn nổi tiếng hơn cả người đồng hương cùng phong cách Bauhaus là Junghans. Với thành công vang dội, Nomos ngày nay đã xác định đi luôn theo con đường thiết kế tinh giản, và Tangente chắc chắn là một dòng sản phẩm đinh không thể thiếu trong bộ sưu tập của hãng này.

A.LANGE & SOHNE LANGE 1 (  1994)

năm 1994, ông tổ của ngành chế tạo đồng hồ vùng Glashutte nước Đức chính thức trở lại với 4 chiếc đồng hồ cao cấp, trong số đó, chiếc Lange 1 đã nhanh chóng trở thành một biểu tượng kinh điển của thiết kế đồng hồ vùng Glashutte cũng như đồng hồ Đức nói chung với thời gian ngắn kỉ lục !

Với thiết kế mặt số lệch tâmô lịch ngày ngoại cỡ, tổng quan cực kì hài hòa và dễ xem giờ đến một mức độ đáng ngạc nhiên, đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ quý phái thượng đẳng khó bì. Có không ít người không biết được lí do gì mà thiết kế này lại đẹp như vậy. Triết lí thiết kế của A.lange là vô cùng tinh tế, ô lịch ngày to ngoại cỡ được lấy cảm hứng từ chiếc đồng hồ nhà hát Opera Semper ở vùng Dresden có niên đại từ 1841, còn tổng thể thiết kế lệch tâm, không đâu xa chính là lấy cảm hứng từ tỉ lệ vàng có từ thời cổ đại, trung tâm của các bộ kim chính là đỉnh của các góc tam giác cân.

Cho tới ngày nay, thiết kế đồng hồ này đã trở thành biểu tượng lớn cho đồng hồ A.lange & sohne và sự phục hưng của đồng hồ Đức nói chung. Sự lựa chọn với tỉ lệ vàng đi kèm với cỗ máy cơ khí tinh xảo đến khó tin đã chứng minh trong thực tế là một quyết định đúng đắn cho tới ngày nay !

Loading